KINH NGHIỆM DU LỊCH ĐÀ NẴNG TỪ A ĐẾN Z (CẬP NHẬT 2022)

Đà Nẵng là nơi hội tụ những vẻ đẹp tinh khôi, nơi có biển song hành cùng núi đồi, có những dòng suối quanh năm tung bọt trắng xóa tạo nên một bức tranh phong thủy hữu tình. Nơi đây không chỉ có phong cảnh thiên nhiên vô cùng tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi này mà khi nói đến Đà Nẵng chúng ta còn biết đến với nhiều lễ hội đặc sắc…vậy để biết được điều đó hãy để chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng từ a đến z qua bài viết này nhé.

 

THỜI ĐIỂM THÍCH HỢP NHẤT ĐỂ DU LỊCH ĐÀ NẴNG?

 

Đà Nẵng là một thành phố thuộc vùng Nam Trung Bộ nên có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, nhiệt độ cao và ít biến động. Mỗi năm có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 12 và mùa khô từ tháng 1 đến tháng 7. Để tránh những ảnh hưởng của mưa bão thì thời điểm du lịch Đà Nẵng đẹp nhất là từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm. Tuy nhiên nếu muốn du lịch tiết kiệm thì du khách nên đi vào khoảng tháng 1 đến tháng 4 bởi thời điểm này không khí Đà Nẵng khá mát mẻ, chỉ có nắng nhẹ, không quá nóng, không có bão và đó là một sự ưu ái đặc biệt cho du khách, nhất là những bạn đam mê trải nghiệm khung cảnh thiên nhiên ngoài trời. và nhất là giá dịch vụ mềm hơn so với tầm tháng 6 đến tháng 8.

 

PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN ĐẾN ĐÀ NẴNG

 

Đà Nẵng với hệ thống giao thông khá thuận tiện, đường xá rộng rãi nên có rất nhiều phương tiện di chuyển tới đây, các bạn có thể dễ dàng chọn cho mình những phương tiện sau để di chuyển khi đến Đà Nẵng

Xe lửa: Đi xe lửa từ Hà Nội hoặc Sài Gòn đến Đà Nẵng mất khoảng 14 – 20 tiếng tùy thuộc vào chuyến tàu chậm hay nhanh. Đi từ Sài Gòn thì lâu hơn vì khoảng cách xa hơn.

– Giá vé từ Hà Nội đi Đà Nẵng: 300 – 650.000 VNĐ tùy thuộc vào các loại ghế.

– Giá vé từ Sài Gòn đi Đà Nẵng từ: 900 – 1.300.000 VNĐ tùy thuộc vào các loại ghế.

Máy bay: Đây là phương tiện thuận lợi nhất mà đa phần khách lựa chọn. Từ Hà Nội đến Đà Nẵng, giá vé máy bay dao động từ 700.000 VNĐ đến 2.200.000 VNĐ, tùy hãng hàng không. Mất tầm 1 tiếng 30 phút để đến Đà Nẵng. Tương tự đối với tuyến Sài Gòn – Đà Nẵng

Xe khách: Xe khách đi Đà Nẵng thường là xe Bắc – Nam giường nằm. Giá vé và chất lượng không chênh lệch nhau nhiều, bạn có thể tham khảo giá vé của các hãng: Hoàng Long, Mai Linh, Hlink, Thuận Thảo, Phương Trang, Sinh Cafe…

– Ở Hà Nội bạn có thể bắt xe khách đi Đà Nẵng tại bến Giáp Bát, bến xe Nước Ngầm.

– Ở Sài Gòn bạn mua vé ở bến xe Miền Đông.

Giá vé khoảng từ 500.000– 700.000 VNĐ, thời gian di chuyển từ 18 đến 20 tiếng cho chuyến Hà Nội/Sài Gòn đến Đà Nẵng.

Lưu ý: Nên mua trước, hoặc gọi điện trước cho nhà xe để tránh tình trạng hết vé. Hoặc lên xe bị nhồi nhét.

 

PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN TRONG NỘI THÀNH ĐÀ NẴNG

 

Xe máy: sẽ là phương tiện di chuyển siêu tiện lợi và dễ dàng khám phá các điểm tham quan của Đà Nẵng. Thuê cho mình một chiếc xe máy bạn có thể tha hồ vi vu ngắm cảnh ở mọi cung đường. Có thể thuê tại khách sạn hay các điểm thuê xe máy, giá từ 90.000 VNĐ – 150.000 VNĐ/xe/ngày. Các bạn có thể thuê xe ô tô cũng là phương án được nhiều người lựa chọn khi du lịch Đà Nẵng bởi thời tiết Đà Nẵng khá nắng vào mùa hè, tuỳ thuộc vào kinh phí của bạn

Một số điểm cho thuê xe máy Đà Nẵng bạn có thể tham khảo:

Quận Ngũ Hành Sơn: Công ty cho thuê xe máy Lâm Nguyễn, ĐT: 0942.35.35.35 và 0965.977.768 (Gặp Anh Độ) – Đ/c: Đường Hồ Huân Nghiệp – Ngũ Hành sơn

Quận Sơn Trà: Công ty xe máy Bình Minh: 0986.86.29.86 – 0938.006.843 (Anh Khoa). Địa chỉ: 82 Thạch Lam, Sơn Trà, Đà Nẵng sát bãi biển Mỹ Khê.

Quận Hải Châu: Công ty Anh Tuấn Motorbike gần sân bay đà nẵng. Địa chỉ 143/16 Tiểu La. Liên hệ : 0905.70.80.90 (A. Tuấn) hoặc 0988.000.835 – 0988.000.875 (Hoàng Anh)

Một số hãng Taxi phổ biến tại Đà Nẵng bạn có thể tham khảo:

Taxi Mai Linh – 0236.3.56.56.56

Taxi Tiên Sa – 0236.3.79.79.79

Taxi Hàng Không (Airport Taxi) – 0236.3.27.27.27

Taxi Sông Hàn – 0236.3.72.72.72

Taxi Vinasun Green – 0236.3.68.68.68

 

MỘT SỐ ĐỊA ĐIỂM NỘI THÀNH PHẢI GHÉ 1 LẦN KHI ĐẾN ĐÀ NẴNG

 

Cầu Sông Hàn: Cầu sông Hàn được xây dựng trên trục chính của đường Bạch Đằng, Một trong những cây cầu đặc biệt nhất Việt Nam và trên thế giới, cây cầu có khả năng xoay đổi phương hướng, mỗi đêm, cầu sông Hàn lại quay 90 độ quanh trục giữa cầu cho những con tàu lớn đi qua. Theo đó, cầu sông Hàn quay từ 23h – 24h vào hai ngày Thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần (sớm hơn 1 giờ so với trước đó). Đồng thời, tạm dừng các phương tiện lưu thông qua cầu trước 15 phút thời điểm cầu bắt đầu quay cho đến khi hết giờ cầu quay.

Địa Chỉ: Đầu đường Lê Duẩn

Cầu Rồng: Cầu nối thẳng trục đường từ sân bay Đà Nẵng ra các bãi biển Mỹ Khê và Non Nước. “Con rồng” trên cầu có khả năng phun lửa và phun nước rất kì diệu vào lúc 21h các ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ. 

Địa chỉ: Đuôi cầu là đối diện với bảo toàn nghệ thuật điêu khắc.

Cầu tình yêu Đà Nẵng: Nổi bật bên bờ sông Hàn, cầu Tình Yêu mang đến không khí lãng mạn và là nơi được rất nhiều cặp đôi đến để móc khóa, lưu giữ kỷ niệm tình yêu. Bên cạnh đó, ở đây còn có biểu tượng “Cá chép hóa rồng” nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng, là địa điểm check in rất được yêu thích.

Chợ Cồn: Bạn đã từng nghe đến thiên đường ẩm thực Đà Nẵng? Đúng vậy, Chợ Cồn là nơi tập hợp hàng trăm món ăn đặc sản vùng này như mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, Bánh xèo, thịt bê thui, bún chả cá, bún mắm, bánh khô mè, nước mắm Nam Ô.. đây không chỉ là địa điểm buôn bán của dân địa phương mà còn được rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ ‘săn lùng’ và ghé mua quà về biếu cho người thân

Địa chỉ: Chợ Cồn thuộc phường Hải Châu II, quận Hải Châu, nằm ở ngã tư đường Hùng Vương – Ông Ích Khiêm.

Bán đảo Sơn Trà/Núi khỉ: Được xem là “lá phổi xanh” của Đà Nẵng, với bờ biển dài, uốn lượn, cùng hệ động thực vật đa dạng. Bán đảo nằm trong địa bàn phường Thọ Quang, quận Sơn Trà có diện tích 4.439 ha đất liền. Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 10km về phía Đông, nơi đây có bờ biển kéo dài, trong xanh quanh năm, cùng đèo Hải Vân bao bọc thành phố Đà Nẵng và vịnh Đà Nẵng.

Bảo Tàng Đồng Đình: Để đến được nơi đây bạn cứ chạy dọc theo con đường bờ biển Võ Nguyên Giáp -> Hoàng Sa sau đó đến ngã ba bạn tiếp tục chạy tiếp theo hướng Hoàng Sa, đây cũng là con đường bạn sẽ chinh phục cả bán đảo sơn trà sắp đến. Nhưng trước hết, sau khi rẽ ngay ngã ba Lê Văn Lương – Hoàng Sa thì bạn tiếp tục chạy tầm 2.5 km nữa bạn sẽ bắt gặp bên kia đường có bia đá ghi rõ “ BẢO TÀNG ĐỒNG ĐÌNH”, sẽ có một con đường dốc nhỏ nhỏ men sườn núi dẫn bạn vào cổng bảo tàng, thoạt nhìn hơi bí hiểm đấy nhé, nhưng bảo tàng nằm ngay sau con đường nhỏ đấy thôi.

Chùa Linh Ứng: Chùa Linh Ứng Sơn Trà hay còn gọi là chùa Linh Ứng Bãi Bụt (phân biệt với chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn và chùa Linh Ứng Bà Nà) là ngôi chùa lớn nhất thành phố Đà Nẵng cả về quy mô lẫn kiến trúc nghệ thuật. Theo hướng đường Hoàng Sa, chạy được một đoạn đường bạn sẽ thấy một bức tượng phật Quan Âm hiện ra. Đó là chùa Linh Ứng Bãi Bụt.

Đỉnh bàn Cờ: Có nhiều cách để đi được đến Đỉnh Bàn Cờ, nhưng có lẽ con đường được mọi người thích nhất cũng như tiện cho mọi người trải nghiệm nhiều địa điểm du lịch khác, đó là từ Chùa Linh Ứng bạn tiếp tục chạy đến cuối con đường Hoàng Sa, bạn sẽ bắt gặp một ngã ba, nơi đây có hai hướng. Rẽ phải là sẽ dẫn bạn đến Cây Đa Nghìn Tuổi và Mũi Nghê. Rẽ trái là con đường dẫn chúng ta lên Đỉnh Bàn Cờ, để chạy được con đường này thì bạn nên vững tay lái nhé.

Ngũ Hành Sơn: Không quá xa trung tâm thành phố chỉ cách chừng 7km nằm kề khu du lịch Non Nước. Ngũ Hành Sơn trông giống như những hòn non bộ nổi lên giữa cồn cát mênh mông bởi năm ngọn núi đá tạo nên. Du khách đến đây thường thăm quan ngọn núi lớn Thủy Sơn, chùa Tam Thai, các hang động Huyền Không, động Linh Nham, động Vân Thông, động Lăng Hư, động Vân Nguyệt…

 

CÁC BÃI BIỂN BỜ ĐÔNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

 

Bãi biển Mỹ Khê: Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 3km, qua cầu quay sông Hàn, đi thẳng đường lớn Phạm Văn Đồng tầm 1,5 km về hướng Đông, bạn sẽ đến được với Mỹ Khê. Đây bãi biển nổi tiếng với cát trắng mịn, sóng biển ôn hòa, nước ấm quanh năm, cùng hàng dừa thơ mộng bao quanh. Đặc biệt, Mỹ Khê từng được Forbes bình chọn là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.

Bãi biển Phạm Văn Đồng: Đây là bãi tắm công cộng được xây dựng với kinh phí 12 tỷ đồng, là địa điểm thu hút cư dân địa phương và khách du lịch khắp nơi. Vị trí: Thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, tại công viên biển Đông.

 

THĂM CÁC LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

 

Làng đá mỹ nghệ Non Nước: Là điểm du lịch thu hút khách đến thăm quan và mua quà lưu niệm với rất nhiều sản phẩm mỹ nghệ được làm bằng đá cẩm thạch khá phong phú như: tượng Phật, tượng thánh, tượng người, tượng muông thú, vòng đá đeo tay…..

Làng chiếu Cẩm Nê: Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 14km về phía Tây Nam, đây là làng nghề nổi tiếng với các loại chiếu hoa truyền thống từng được hiện diện ở nội triều các vua nhà Nguyễn, với ưu điểm mùa hè nằm trên chiếu mát lạnh và mùa đông chiếu tỏa ra hơi ấm cùng với mùi hương đồng cỏ nội thơm dịu

 

KHU XA TRUNG TÂM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

 

Bà Nà Hills – Đường Lên Tiên Cảnh: Được mệnh danh là chốn bồng lai tiên cảnh giữa đời thực. Bà Nà Hills là điểm du lịch vô cùng nổi tiếng của Đà Nẵng. Nơi mà bạn không nên bỏ lỡ khi du lịch đến đây. Vé hiện nay tại Bà Nà Hills là 750.000đ/ 1 vé.Đường lên đây khá rộng rãi và thoáng mát nên bạn có thể di chuyển lên đây bằng xe máy hoặc ô tô rồi mua vé cáp treo lên đỉnh Bà Nà.

Phố Cổ Hội An: Từ Đà Nẵng đi Hội An chỉ với 25km di chuyển bằng đường bộ. Mình nghĩ bạn nên đi Hội An vào buổi chiều tối là đẹp nhất.Đêm Hội An rất đẹp với những ánh đèn lồng lung linh đến huyền ảo. Tại đây bạn có thể ngồi thuyền thả đèn hoa đăng trên dòng sông Thu Bồn, ghé vào các cửa hàng bán đồ lưu niệm và thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật,…

Đèo Hải Vân: Hải Vân được biết đến là con đèo nguy hiểm bậc nhất miền Trung với những khúc cua lạnh vai gáy nhưng đổi lại bạn sẽ được trải nghiệm trong mây gió, biển cả như đúng cái tên gọi của nó Hải Vân. Cung đường quanh co dài 21km vắt ngang qua dãy núi Trường Sơn vừa tiếp giáp biển Đông.

Rạn Nam Ô: Cách trung tâm làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng – nằm giữa Đà Nẵng và đèo Hải Vân) khoảng 2km về hướng Đông Nam có một dải đá ngầm, ngư dân trong vùng gọi là rạn Nam Ô. Rạn Nam Ô có nhiều rong tảo nên là nơi trú ngụ của nhiều loài cá và hải sản quý.

ĂN GÌ KHI ĐẾN ĐÀ NẴNG?

 

Mì Quảng: Đà Nẵng là thiên đường của mì quảng, với hàng trăm quán, nhà hàng khắp nơi trên thành phố. Mì Quảng bán buổi sáng tới tầm 9h – 10h ở đường Hoàng Diệu, Phan Thanh, Trưng Nữ Vương, Hoàng Hoa Thám; một số nơi bán cả ngày như trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Công Trứ. Giá cả dao động tùy nơi, tùy tô lớn nhỏ khoảng 15.000 – 35.000 đồng/tô

Bánh tráng thịt heo: Để tròn vị, bạn nên chọn quán trên đường Châu Thị Vĩnh Tế hoặc Hải Phòng, Duy Tân, Lê Duẩn, Đỗ Thúc Thịnh… với giá khoảng từ 30.000 – 80.000 đồng. Bánh tráng cuốn thịt heo quán Mậu, 35 Đỗ Thúc Tịnh, bánh tráng Trần số 4 Lê Duẩn.

Bún chả cá: Quán trên đường Hoàng Diệu (ngay bên cạnh tòa nhà Hoàng Anh Gia Lai) bán cả ngày từ 7h – 21h; quán bán suốt đêm trên đường Hùng Vương; quán lại chỉ bán buổi sáng từ 6h – 10h ở đường Trần Cao Vân (đối diện chợ Tam Tòa). Giá từ 15.000 đồng/tô. Bún chả cá gia truyền 109 Nguyễn Chí Thanh – quận Hải Châu. Giá: 20 nghìn/tô bình thường và 25 nghìn/tô đặc biệt; thời gian phục vụ từ 6h – 22h, giờ cao điểm là 7h – 9h sáng và 17h – 20h tối.

Bánh xèo: Giá bánh xèo từ 5.000 đồng/cái trên đường Hoàng Diệu, Hải Phòng… Bánh xèo bà Dưỡng trong kiệt 11 (ngõ/hẻm 11) phố Hoàng Diệu, địa chỉ mới: K280/23 Hoàng Diệu. Chú ý: có một số quán khác cũng mở ra ở trước đó nên bạn chú ý biển tên để vào cho đúng nhé.

Bánh bèo: Không kể đến những gánh hàng rong thì khu bánh bèo ở chợ Cồn (cổng đường Hùng Vương), Hoàng Diệu, Hải Phòng, Ông Ích Khiêm (bán từ trưa, chỉ từ tháng 9 – tháng 2 hàng năm)… là chỗ nên thử. Mỗi chén bánh bèo chỉ khoảng 1.500 đồng.

Gỏi cá Nam Ô: Gỏi cá Nam Ô thì phải tới khu vực Nam Ô để thưởng thức mới đúng điệu. Hoặc nếu không, bạn có thể qua Nguyễn Tất Thành hay cầu Nam Ô và gọi một phần với giá từ 40.000 đồng.

Bánh Đập Đà Nẵng: Bánh Đập Đà Nẵng lạ ở chỗ, bánh tráng mè nướng lên rồi phủ bên trên một lớp bánh bột gạo mỏng giống bánh ướt, cho lên đó ít tép, ít hành lá, ít đậu phộng hành phi… rồi cứ vậy bẻ 1 góc bánh đủ vị chấm cái nước chấm đặc biệt của Đà Nẵng mà ăn. Bánh đập giòn, thơm, ngon ăn chung với nước chấm ngon quên sầu.

Bánh canh Đà Nẵng: Nếu bạn muốn đổi khẩu vị một chút, thì bánh canh Huế tại Đà Nẵng có thể là lựa chọn thú vị. Vẫn là nước dùng được hầm từ xương có vị ngọt thanh ngon miệng, nhưng ngoài thịt heo, banh canh đặc sản Đà Nẵng còn có thêm chả cá, thịt cua, trứng cút,… ăn kèm vừa lạ miệng vừa ngon.

 

ĐI ĐÀ NẴNG MUA QUÀ GÌ?

 

Du lịch Đà Nẵng nên mua gì về làm quà là câu hỏi mà được khá nhiều người quan tâm. Nếu bạn nghĩ rằng vùng biển thì chỉ có mua hải sản về thì lầm rồi nhé, Đà Nẵng có rất nhiều đặc sản ngon khác có thể mua về làm quà cho gia đình, bạn bè. Bạn có thể tham khảo một số món như:

Mực một nắng – đặc sản Đà Nẵng: Nổi tiếng là vùng biển với các loại hải sản tươi ngon nên khi đi du lịch Đà Nẵng, bạn có thể mua mực một nắng về làm quà. Mực một nắng được tuyển chọn tù những con mực ngon nhất, đem phơi dưới trời nắng gắt và chỉ phơi một lần nên vẫn giữ được vị ngọt mềm của mực. 

Mực hấp nước dừa Đà Nẵng: Mực tươi thì chế biến món ăn nào cũng đều tuyệt vời vô cùng. Mực làm sạch rồi mang đi hấp nước dừa, thịt mực vì thơm vừa ngọt, ăn một lần là không thể quên. Sau khi hấp chín, người ta xé sợi con mực rồi đóng thành hũ, bạn có thể ăn kèm với tương ớt hoặc ăn không đều ngon.

Chả bò Đà Nẵng: Mặc dù hình thức bên ngoài nhìn rất giống giò bò của miền Bắc hay bánh răng bừa ở Thanh Hóa nhưng thành phần làm nên chả bò cây Đà Nẵng thì không hề giống như vậy và có hương vị đặc trưng hoàn toàn khác. Bạn có thể dùng món này làm đồ nhậu nhâm nhi với bia rất đưa miệng nhé.

Tré bà Đệ: Tré bà Đệ được xem như một trong những món đặc sản gia truyền nức tiếng ở Đà Nẵng. Sản phẩm được làm từ thịt heo nạc và ba chỉ thái mỏng, tẩm ướp gia vị sau đó gói bằng lá chuối và ủ trong vòng từ 2- 3 ngày mới có thể ăn được. 

Bánh khô mè Đà Nẵng: Có thể nói, đây là một trong những món đặc sản gia truyền của thành phố biển Đà Nẵng. Bánh có độ giòn, xốp kết hợp với sự thanh ngọt và vị thơm của mè tạo nên hương vị ngon khó quên. 

Mực sữa rim me: Một món đặc sản rất dễ tìm nữa dành cho những ai chưa biết đi du lịch Đà Nẵng mua gì làm quà đó là mực sữa rim me- đặc sản bạn có thể tìm thấy ở bất kỳ chợ nào tại Đà Nẵng. Mực được chọn làm món này phải là mực sữa, kết hợp với các nguyên liệu như vừng, nước sốt me đặc và một số hương vị khác, khi ăn có mùi thơm của vừng, vị chua cay nhẹ và độ ngọt dai của mực. Món này có thể ăn không hoặc ăn kèm cơm rất đưa miệng. 

Nước mắm Nam Ô Đà Nẵng: Đi biển thì tuyệt đối không quên nước mắm, đặc biệt là nước mắm Nam Ô. Hơn 30 năm hình thành và phát triển, làng nước mắm Nam Ô được người dân trong nước lẫn nước ngoài biết đến bởi chất lượng và hương vị thơm ngon đậm đà.

 

KINH NGHIỆM MUA ĐẶC SẢN ĐÀ NẴNG NÊN BIẾT

 

Dĩ nhiên bất kỳ ai mua đặc sản Đà Nẵng về làm quà đều mong người nhận sẽ vui vẻ, ưng ý và có trải nghiệm tốt. Tuy nhiên, không phải nơi nào bán đặc sản cho bạn cũng chắc chắn mang đến chất lượng như bạn mong đợi. Làm thế nào để chọn mua đặc sản tại Đà Nẵng về làm quà vừa chất lượng và an tâm?

Đầu tiên, bạn luôn luôn phải đọc review, tìm hiểu các món ngon và các sản phẩm cần mua trước khi mua. Vì sao? Việc đọc review và tìm hiểu trước giúp bạn không mất nhiều thời gian chọn lựa. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ biết rõ hơn các đặc điểm của món ăn như có thể vận chuyển bằng máy bay, thời hạn sử dụng là bao nhiêu tháng, bảo quản như thế nào để tránh hỏng hóc hay thậm chí nơi nào bán ngon và chất lượng.

Thứ hai, hãy lắng nghe dân bản địa nói. Vì chúng ta đến từ một thành phố khác nên việc lựa chọn, mua sắm sẽ không hề dễ dàng. Bạn hãy hỏi một vài người dân địa phương về các cửa hàng bán đặc sản ngon, uy tín để mua thay vì vào bừa một cửa hàng nào đó nhé!

Thứ ba, khó quá thì hãy vào chợ. Đặc biệt lưu ý với các bạn là ở Đà Nẵng, có 2 ngôi chợ cực kỳ lâu đời và buôn bán sầm uất, chính là chợ Hàn và chợ Cồn. Bạn có thể mua đặc sản Đà Nẵng ở chợ Hàn, tuy nhiên nên hỏi giá trước và nếu giá quá cao so với mặt bằng thì bạn nên mặc cả. 

Một lưu ý nhỏ nữa là không nên mua sắm vào buổi sáng sớm hay đầu giờ chiều, mở hàng mà trả giá thì các cô bán hàng không được thân thiện đâu nha. Chợ Cồn thì nổi tiếng về ẩm thực, bạn có thể thưởng thức nhiều món ngon ở đó và mua đặc sản đồ khô, hải sản làm quà.

Sau cùng, nếu bạn lo sợ mặc cả khi vào chợ, hay mua sắm ở các siêu thị để vừa an tâm về chất lượng, vừa an toàn về giá nhé. Một số siêu thị cung cấp đặc sản Đà Nẵng khá đầy đủ như siêu thị Đặc sản miền Trung Thiên Phú, Đặc sản Đà Nẵng bà Hoa, Đặc sản Hương Đà, Siêu thị Đại Lộc Phát.

Với những thông tin hữu ích ở trên, bạn đã sẵn sàng cho chuyến du lịch Đà Nẵng của mình rồi chứ. Chúc các bạn có chuyến du lịch trọn vẹn và kỳ nghỉ hoàn hảo nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *